Mũ bảo hiểm trở thành “vật bất ly thân” đối với nhiều người khi tham gia giao thông. Thói quen này không chỉ thể hiện cách ứng xử có văn hóa, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, mà đây được xem là biện pháp hiệu quả đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là hạn chế thương vong nếu không may có tai nạn xảy ra.
Người dân phớt lờ quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện xe gắn máy.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp vi phạm quy định này. Ghi nhận thực tế tại các tuyến đường trung tâm thành phố, đường quốc lộ, khu vực nông thôn thường xuyên xuất hiện hình ảnh người điều khiển xe máy lẫn người ngồi phía sau không đội MBH khi lưu thông trên đường, trong đó nhiều trường hợp trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Giờ tan tầm, nhiều phụ huynh đón con tan học chở 2 - 3 học sinh nhưng không thấy có cháu nào được đội MBH. Nhiều học sinh ở lứa tuổi THCS, THPT tự điều khiển xe đạp điện, xe máy điện nhưng vẫn “đầu trần” tham gia giao thông hoặc có MBH trên đầu nhưng không cài quai... Mặc dù biết rõ đây là hành vi gây mất ATGT nhưng dường như các bạn trẻ vẫn cố tình vi phạm. Thậm chí trong nhiều trường hợp, các bạn trẻ đội MBH chỉ để “đối phó” với việc kiểm tra của lực lượng chức năng mà chưa hình thành thói quen, văn hóa khi tham gia giao thông.
Tại quốc lộ 37 thuộc huyện Sơn Dương, sau giờ tan học của học sinh, rất nhiều trường hợp các bậc phụ huynh phóng vèo vèo trên đường đèo theo con em cũng không có MBH. Anh Đỗ Văn L, xã Tân Thanh (Sơn Dương) cho biết, đoạn này không có công an làm nên không đội mũ cũng không lo bị phạt. Biết là đội MBH là quy định nhưng nhà cách trường chỉ hơn 1km nên cũng lười đội.
Ngay tại khu vực thành phố Tuyên Quang, một số người dân cũng phớt lờ quy định bắt buộc đội MBH khi điều khiển phương tiện xe gắn máy. Anh Nguyễn Minh H, phường Nông Tiến chủ quan cho rằng, mình đi cẩn thận thì không cần đến MBH nên anh cũng cứ đầu trần khi điều khiển xe máy, mặc dù MBH vẫn được treo ở móc xe, nếu phát hiện có lực lượng cảnh sát giao thông anh H. sẽ đội lên để chống chế.
Không đội MBH khi tham gia giao thông, vi phạm tốc độ, thiếu chú ý quan sát, đi sai phần đường, sử dụng rượu bia khi lái xe... cũng là những nguyên nhân chính xảy ra các vụ TNGT.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động đã lập biên bản, xử phạt 6.040 trường hợp vi phạm, trong đó có nhiều trường hợp không đội MBH khi tham gia giao thông, vi phạm các quy định Luật Giao thông đường bộ…
Đồng chí Hoàng Hồng Thái, Phó chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh khẳng định, nâng cao ý thức của người dân khi điều khiển phương tiện xe gắn máy phải đội MBH, các ngành chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, trong đó có nhóm đối tượng phụ huynh, học sinh, thanh thiếu niên… Thực tế cho thấy đây là nhóm người phớt lờ quy định bắt buộc đội MBH nhiều nhất. Trên cơ sở đó, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT, trong đó có các vi phạm điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không đội MBH, lạng lách, đánh võng…
Báo cáo của Đội cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Tuyên Quang, từ đầu năm đến nay đơn vị đã xử phạt 124 trường hợp không đội MBH khi điều khiển xe gắn máy khi tham gia giao thông.
Để quy định về đội MBH được thực hiện nghiêm túc, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính mình. Bởi đội MBH chính là bảo vệ bản thân mình nếu không may tai nạn xảy ra.
Gửi phản hồi
In bài viết